Hiện nay trên địa bàn huyện một số sản phẩm sản xuất còn manh mún, thị trường tiêu thụ, giá cả, đầu ra của sản phẩm còn hạn chế, việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” sẽ giúp các địa phương phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thêm thu nhập cho người lao động. Hiện UBND huyện Thăng Bình, các ngành, các địa phương của huyện đang nỗ lực triển khai chương trình này. Ngoài 3 sản phẩm mà tham gia vào chương trình OCOP của tỉnh trong năm 2018 là nước mắm cửa khe (Bình Dương); cao chè vàng miền trung (Bình Phú); bún khô từ gạo đen (Bình Trị), thì vẫn còn những sản phẩm đặc trưng, vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, cây trồng chủ lực có thể tham gia vào OCOP như: nén; kiệu; tiêu; nếp hương bầu; măng tây; dưa hấu hắc mỹ nhân; yến sào đất quảng; dầu phụng; rau sạch Mỹ Hưng; nấm linh chi, nấm sò... Đây là lợi thế để các địa phương xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Tuy nhiên, các sản phẩm sản xuất của huyện còn ở quy mô nhỏ lẻ, thủ công, thị trường tiêu thụ không ổn định; một số sản phẩm chưa hoàn thiện về mẫu mã, bao bì, tiêu chuẩn chất lượng; máy móc, thiết bị lạc hậu; diện tích đất sản xuất hẹp, tỉ lệ lao động có tay nghề không nhiều; nông dân khó tiếp cận vốn vay ưu đãi; quy mô, năng lực của các cơ sở sản xuất, hộ gia đình còn hạn chế; đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khă nên mức tăng trưởng không cao, việc phát triển còn nhiều khó khăn, sản phẩm chủ lực để cạnh tranh không nhiều... Để chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trở thành phong trào lớn, có sức loan tỏa sâu rộng các địa phương cần tập trung khuyến khích đầu tư ngành nghề nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển làng nghề, có các chính sách hỗ trợ, trước mắt ưu tiên phát triển sản phẩm thế mạnh trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác, lựa chọn sản phẩm có ưu thế của địa phương mình để tiếp tục đầu tư, đồng thời vận động các doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề tập trung sản xuất sản phẩm có chất lượng, đăng ký nhãn hiệu, tham gia các hội chợ để quảng bá thương hiệu… góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”. Trên cơ sở đó các địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, việc triển khai mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” đang được các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, ngoài sự đồng thuận của người dân, cơ sở sản xuất… thì tính khả thi của chương trình này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nguồn lực, kinh phí hỗ trợ thực hiện mà nhất là cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) thật sự trở thành hướng đi mới, khích lệ người dân đầu tư, tạo thu nhập ổn định làm giàu chính trên quê hương mình.