I- Vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên
1- Vị trí địa lý
Bình Sa nằm về phía Đông của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm hành chính huyện Thăng Bình 14km; phía Bắc giáp xã Bình Triều, phía Nam giáp xã Bình Nam, phía Tây giáp xã Bình Tú, Bình Trung, phía Đông giáp xã Bình Hải, Bình Đào. Tọa độ địa lý: Từ 15030’ đến 15059’ vĩ độ Bắc; từ 108007’ đến 108030’ kinh độ Đông. Có chiều dài 10,7km, chiều ngang 03km.
Toàn xã, có 06 thôn: Tiên Đỏa, Châu Khê, Bình Trúc 1, Bình Trúc 2, Tây Giang, Cổ Linh với 26 tổ tự quản.
2- Diện tích tự nhiên
Toàn xã có 2.039ha. Trong đó: đất nông nghiệp 1.253,6ha; đất lâm nghiệp 299,6ha; đất nuôi trồng thủy sản 73,36ha; đất thổ cư 141,78ha; đất các công trình công cộng 78,56ha;...
3- Địa hình
Địa hình xã Bình Sa tương đối bằng phẳng nhưng có độ nghiêng về phía Đông. Phía Đông nằm dọc theo xã có con sông Trường Giang, phía Tây Nam dọc theo xã có nổng cát trắng dài và rộng nối liền từ xã Bình Triều (phía Bắc) đến xã Bình Nam (phía Nam).
4- Khí hậu
Nhiệt độ trung bình khoảng 340c, nhiệt độ cao nhất từ tháng 5 đến tháng 7, nhiệt độ thấp nhất từ tháng 10 đến tháng 12 (theo Âm lịch). Độ ẩm trung bình khoảng 78%, lượng mưa trung bình trong năm 2.300mm. Đặc điểm vùng đất cát, mùa nắng nhanh khô, mùa mưa thường xảy ra lũ lụt, ngập úng
5- Sông ngòi
Dọc theo chiều dài của xã có con sông Trường Giang nối từ phía Bắc (Bình Triều) đến phía Đông (Bình Nam) là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch công đồng của địa phương.
Ảnh: Sông Trường Giang (nguồn: Trang thông tin điện tử Huyện ủy Thăng Bình)
6- Dân số
Tính đến cuối tháng 9/2017, toàn xã có 6.154 người, với mật độ dân số trung bình là 298 người/km2. Lao động trong độ tuổi 2.814 người; lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên 2.741 người; tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm hiện nay 97,41%. Trong đó, lao động nông nghiệp chiếm 82%, công nghiệp - xây dựng chiếm 8%, thương mại - dịch vụ chiếm 10%.
7- Giao thông
Toàn xã có 12,448 km đường trục xã, liên xã đã được bê tông hóa; có 04 km đường trục thôn đã bê tông hóa; có 20.992/27.09 km đường ngõ, xóm được bê tông hóa và có 27.504/34.305 km đường trục chính nội đồng đã bê tông hóa. Đặc biệt, có tuyến đường bộ ven biển (129) chạy qua địa bàn xã với chiều dài 6km và nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn, liên xóm chạy dọc khắp xã là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
II - Đặc trưng văn hóa Bình Sa
Lễ hội đua thuyền là nét văn hóa mang đậm yếu tố tín ngưỡng dân gian truyền thống của người dân Bình Sa nói chung và thôn Tây Giang nói riêng, có tính cộng đồng cao. Lễ hội diễn ra vào ngày mồng 8 tháng Giêng Âm lịch hằng năm, thu hút hàng ngàn người dân và du khách trong và ngoài huyện hưởng ứng. Lễ hội đua thuyền nhằm tri ân các vị thần linh vùng sông nước, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn gặp may mắn.
Đua thuyền tại thôn Tây Giang
Bên cạnh Lễ hội dân gian truyền thống, ở Bình Sa còn những di tích lịch sử, di tích văn hóa, như: Di tích lịch sử cấp tỉnh nhà thờ Tiền hiền làng Tiên Châu, Cây Di sản Việt Nam đối với quần thể 03 cây thị tại nhà thờ tiền hiền Làng Tiên Châu; Bia tưởng niệm Cồn Soi (ghi danh 27 cán bộ, du kích và nhân dân bị kẻ thù sát hại), Bia tưởng niệm tại thôn Bình Trúc 2 (ghi danh 38 cán bộ, du kích và nhân dân bị kẻ thù sát hại), Bia tưởng niệm tại thôn Châu Khê (ghi danh 8 cán bộ và 1 người dân). Ngoài ra, trên địa bàn Bình Sa qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ còn nhiều địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử cách mạng rất xứng đáng để dựng bia ghi nhớ như: đình Tây Giang, đình Ấp Hội, nhà ông Trịnh Phương (thôn Tây Giang là nơi thành lập chi bộ Tây Giang tháng 6/1936 - Chi bộ đầu tiên của huyện Thăng Bình), nhà ông Nguyễn Kỳ (An Thạch, thôn Bình Trúc 2 vào giữa năm 1941 đến 1942, Tỉnh ủy Quảng Nam sử dụng làm nơi ấn loát tài liệu, truyền đơn tuyên truyền của Đảng), nhà ông Nguyễn Thế Tạo (thôn Bình Trúc 2, là nơi nuôi giấu đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công) hoạt động bí mật hàng chục năm ở vùng này),…
Bia tưởng niệm Cồn Soi - Tiên Đỏa
Cùng với việc giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương; các di tích văn hóa, di tích lịch sử cách mạng được gìn giữ, bảo vệ và tôn tạo nên khi nói đến Bình Sa có lẽ ai cũng biết đến một vùng đất anh hùng.
III- Bình Sa - Truyền thống cách mạng
Chi bộ Tây Giang là chi bộ ra đời sớm nhất trong huyện, đã vận động phát triển được những tổ chức biến tướng, ái hữu.
Những năm 1936 - 1939, tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến đổi. Chủ nghĩa Phát xít Đức - Ý - Nhật câu kết với nhau thành trục tam giác, âm mưu thôn tính thế giới làm bá chủ toàn cầu, bá chủ khu vực, ra sức chống phá cách mạng thế giới. Đặc biệt là chống phá cách mạng Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô), chỗ dựa vững chắc của cách mạng thế giới.
Một sự kiện quan trọng lúc này là Mặt trận Bình dân Pháp ra đời, Chính phủ Bình dân Pháp được thành lập, trong đó có một số thành viên Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện đó ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp đến tình hình chính trị ở Việt Nam. Tháng 7.1936, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Thượng Hải (Trung Quốc). Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản, xuất phát từ sự phân tích đúng đắn tình hình thế giới, tình hình nước Pháp và Đông Dương, hội nghị đã đề ra chủ trương: tập trung mọi nỗ lực cách mạng nhằm chống bọn phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do dân chủ.
Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này tuy không thay đổi, vẫn là chống đế quốc giành độc lập dân tộc, chống phong kiến giành ruộng đất cho nông dân, nhưng cần có sự thay đổi về tổ chức và hình thức đấu tranh nhằm triệt để lợi dụng mọi khả năng hợp pháp để tập hợp mọi lực lượng cách mạng, tập hợp đông đảo quần chúng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Hội nghị Trung ương đã quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất Nhân dân phản đế Đông Dương và đề ra mục tiêu trước mắt là “Đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, tay sai của chủ nghĩa phát xít đòi tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình”.
Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, từ giữa năm 1936, bọn thống trị Pháp thực hiện việc “Ân xá tù chính trị”. Nhiều nhà cách mạng ở trong tỉnh ra tù về hoạt động trở lại. Đây là lực lượng đảng viên, cán bộ được tôi luyện trong đấu tranh ở các nhà tù, làm cốt cán cho việc xây dựng lại phong trào.
Cuối năm 1936, hội nghị thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Nguyễn Trác làm Bí thư, phân công ủy viên phụ trách các phủ huyện, phát triển cơ sở đảng, nhanh chóng mở rộng các hoạt động biến tướng để thúc đẩy phong trào. Hiệu sách Việt Quảng được thành lập ở Đà Nẵng, trung tâm lưu hành sách báo tiến bộ để các huyện mua về thành lập các tủ sách, cổ động phong trào đọc sách, báo tiến bộ ở địa phương mình.
Ở Thăng Bình, năm 1936, đồng chí Trần Học Giới ra tù về liên lạc với anh Hoàng Tánh ở Tây Giang tập hợp các anh Nguyễn Ngẫu (Hòa Tây - Tam Kỳ), Nguyễn Niệm, Trương Thanh Đồng (Tiên Đỏa) tổ chức hội đọc sách và chung vốn mở hiệu thuốc Đông y mang tên “Nghĩa Hòa Đường” tại chợ Tây Giang để che mắt địch tiện bề hoạt động. Sau đó, đồng chí Trần Học Giới tổ chức các đồng chí: Nguyễn Niệm, Hoàng Tánh và Nguyễn Ngẫu thành lập chi bộ Đảng ở Tây Giang do Nguyễn Niệm làm Bí thư. Chi bộ Tây Giang là chi bộ ra đời sớm nhất trong huyện, đã vận động phát triển được những tổ chức biến tướng, ái hữu. “Nghĩa Hòa Đường” đã trở thành nơi thu hút nhiều quần chúng đọc sách báo tiến bộ. Hoạt động của chi bộ Tây Giang đã có ảnh hưởng trong vùng đông nam Thăng Bình, giáp với Tam Kỳ, đóng góp tích cực vào phong trào hoạt động cách mạng của huyện trong những năm 1936 - 1939.
Sưu tầm từ lịch sử Đảng bộ huyện Thăng Bình (1930 – 1975)
Nguồn: Bản tin Thăng Bình - Trang thông tin điện tử Huyện ủy Thăng Bình
|