UBND xã Bình Sa đã đề nghị Phòng kinh tế hạ tầng huyện Thăng Bình hỗ trợ khởi nghiệp với kinh phí 50 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho sản xuất và địa phương đã đưa sảm phẩm dầu tràm vào chương trình ocop – mỗi xã một sản phẩm. Tuy nhiên nguồn nhiên liệu phục vụ cho việc chế xuất dầu tràm cung cấp không đủ, do vậy địa phương khuyến khích người dân trồng cây dược liệu tràm. Ông Châu Quang Anh, Chủ tịch UBND xã thông tin: Chủ trương của địa phương là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng cát theo hướng đa cây; trong đó, tập trung phát triển các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là trong điều kiện khô hạn. Để có hướng phát triển bền vững, địa phương đang đưa vào trồng cây tràm dược liệu để cung cấp cho cơ sở sản xuất.
Tìm hiểu thông tin, được biết cây tràm dược liệu được trồng và thu mua với giá cao, đầu năm 2020, anh Lê Văn Minh (thôn Tiên Đỏa) quyết định trồng 1000 cây tràm, đồng thời vận động thêm các hộ dân như anh Nguyễn Văn Khánh, anh Trần Hữu Lự trồng cây tràm này.
Cây tràm dược liệu anh Minh trồng phát triển tốt
Cây tràm dược liệu là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và không ảnh hưởng đến yếu tố thời tiết nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thị trường thu mua loại cây này với mức giá từ 3,5-4 nghìn đồng/kg và hiện nay loại cây này ở địa phương cũng khan hiếm nên dự báo trong nhiều năm tới khá ổn định. Bước đầu để trồng cây này chủ cơ sở sản xuất dầu tràm Linh Vũ chịu trách nhiệm cung cấp giống với giá 4000 đồng/cây, khi cây thu hoạch cơ sở chịu trách nhiệm thu mua với giá cả thị trường.
Thời gian qua, xã khuyến khích người dân trên địa bàn chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng những loại cây phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng của địa phương. Đối với mô hình trồng cây tràm dược liệu là những mô hình mới, có nhiều triển vọng. Những vùng đất trồng trọt không hiệu quả hay gò đồi việc trồng tràm dược liệu cũng là hướng đi đầy khả quan trên vùng đất cát khô hạn. Quá trình thực hiện mô hình cho thấy, cây tràm dược liệu dễ trồng, dễ chăm sóc và không ảnh hưởng đến yếu tố thời tiết, chi phí đầu tư ban đầu không nhiều, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế. Chính quyền địa phương khuyến khích đối với những hộ đã trồng tràm dược liệu thì tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, những hộ chưa trồng thì nghiên cứu, học tập để trồng loại cây này./.