Thăm mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Trịnh Thanh Hùng ở tại tổ 5 thôn Tây Giang, xã Bình Sa đã bỏ kinh phí hơn 200 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại, mua bò về nuôi được hơn 1 năm nay. Dẫn chúng tôi đi thăm đàn bò của gia đình, anh Hùng phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi vừa xuất được 6 con. Từ khi chuyển sang nuôi bò vỗ béo, tôi thấy hiệu quả kinh tế cao mà lại nhàn nữa. Một ngày, chúng tôi chỉ mất 4 tiếng cho bò ăn và làm vệ sinh chuồng trại, còn lại thời gian dành cho việc khác. Thức ăn cho bò chủ yếu là cỏ voi; cám ngô, cám gạo nấu lên và chất ăn khô là rơm”. Nhìn đàn bò của gia đình anh thật thích mắt, con nào cũng béo với chiếc bụng căng tròn. Được biết, sắp tới, gia đình anh sẽ xây dựng thêm chuồng trại tăng số lượng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình, tăng thu nhập mỗi tháng.
Mô hình chăn nuôi bò của anh Trịnh Thanh Hùng
Toàn xã hiện có 10 hộ chăn nuôi trâu, bò theo hướng vỗ béo theo hướng gia trại mỗi hộ nuô từ 6 đến 8 con, Hội Nông dân xã tăng cường phối hợp với chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo tới hội viên nông dân; mở các lớp tập huấn chuyển giao các kỹ thuật cho người dân như: làm chuồng trại, chọn giống, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh trên đàn trâu, bò; tư vấn, hướng dẫn các hộ trồng cỏ, tích trữ các nguồn phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng hiệu quả chăn nuôi; khuyến khích các hộ phát huy nội lực tự chủ động nguồn vốn đầu tư triển khai mô hình. Đồng thời, tận dụng các nguồn vốn từ chương trình chính sách của Trung ương, tỉnh, quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ các hộ vay vốn phát triển sản xuất.
Anh Phan Chiếm Trung - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay: trong năm 2019, Hội phối hợp với hội Nông dân Tỉnh mở lớp đào tạo nghề về kỹ thuật nuôi trâu, bò vỗ béo cho các hộ dân; trong năm 2019 , năm 2020 hội đã giải ngân vốn hỗ trợ nông dân cho 27 hộ dân với tổng số vốn vay 1.038.600.000 đồng.
Bên cạnh lợi ích chính là mang lại thu nhập cao trong thời gian ngắn, giúp các hộ quay vòng vốn nhanh thì mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo còn giải quyết được nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác chăn nuôi hiện nay trên địa bàn xã, trong đó: giảm tình trạng thả rông gia súc, tăng hiệu quả quản lý đàn trong việc chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, tận dụng được nguồn phụ phẩm để tái đầu tư… Nhờ đó, nâng cao tỷ lệ tăng trưởng đàn trâu, bò; góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn đang trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ những hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo mang lại, thời gian tới, xã Bình Sa tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân nhân rộng mô hình này; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ các hộ dân về vốn, kỹ thuật chăn nuôi tập trung… Qua đó, từng bước giúp người dân chủ động hơn trong việc phát triển kinh tế gia đình, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng./.