Cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện một cách đồng bộ, tích cực, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở địa phương được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; an ninh trật tự; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng hệ thống chính trị…
Ảnh: Mô hình trồng cây dược liệu (cây tràm)
Tính đến nay, toàn xã đã xây dựng được 10 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đang còn hoạt động và mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình "câu lạc bộ gia đình bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc"; Mô hình "chi hội phụ nữ kiểu mẫu"; Mô hình "5 không 3 sạch" của Hội phụ nữ; Mô hình "thắp sáng đường quê" Đoàn TN; Mô hình " Tái hòa nhập cộng đồng"; Mô hình "tiếng loa an ninh" của Công an; Mô hình "khu dân cư không rải vàng mã" của UBMTQ xã; Mô hình "trồng sen kết hợp nuôi cá" của Hội Nông Dân; Mô hình trồng cây dượt liệu "Cây tràm" của Hội Cựu chiến binh. Trong đó, lĩnh vực kinh tế: 2 mô hình; văn hoá- xã hội: 6 mô hình; lĩnh vực quốc phòng- an ninh: 2 mô hình. Các mô hình ở khu vực nông nghiệp đã tập trung phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng trang trại, gia trại, phát triển ngành, nghề, làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã,... thu hút lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường đã tạo sự đồng thuận cao trong xây dựng đời sống văn hoá mới; xoá bỏ được nhiều tập tục lạc hậu, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải. Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh: Vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân, phòng chống các tệ nạn xã hội mang lại hiệu quả thiết thực như tiếng loa an ninh. Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị: xây dựng và phát huy tốt hiệu quả các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng Đảng; tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn thư, khiếu nại và những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân... Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động, chăm lo lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tổ chức tốt các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt hương ước, quy ước gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động.
Ảnh: Mô hình trồng sen kết hợp muôi cá
Có thể nói rằng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn xã Bình Sa thực sự đi vào đời sống xã hội; đây là chủ trương đúng đắn nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác dân vận, đồng thời phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần vượt khó của các tầng lớp nhân dân. Qua đó đã góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên địa bàn xã trong thời gian đến cần làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là: Đảng ủy tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về công tác dân vận khéo, trong đó tập trung bám sát vào các nhiệm vụ chính trị của địa phương, những vấn đề xã hội bức xúc, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng như xây dựng, nông thôn mới, giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế, an sinh xã hội, cải cách hành chính, an ninh trật tự. Việc đề ra các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải được cấp ủy, chính quyền chủ động giao cụ thể cho cá nhân, tập thể và thường xuyên theo dõi, hỗ trợ thực hiện. Nâng cao chất lượng tiêu chí đánh giá các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” cần được đề cao, được biểu dương, khen thưởng với hình thức phù hợp để thúc đẩy phong trào thi đua dân vận khéo.
Hai là: UBND xã tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận khéo gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ “về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”. Tập trung vào các mô hình cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân; xây dựng chính quyền thân thiện; áp dụng công nghệ số để cải tiến mọi quy trình, thủ tục của cơ quan hành chính nhà nước.
Ba là: Phát huy vai trò của hệ thống dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác dân vận khéo, nâng cao chất lượng xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, phát triển cả bề rộng và chiều sâu, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Làm tốt công tác dân vận khéo trong việc nắm tình hình nhân dân để kịp thời tham mưu, giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Bốn là: Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; định kỳ sơ kết, tổng kết và biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Việc khen thưởng các điển hình tập thể, cá nhân “dân vận khéo” tiêu biểu cần làm trang trọng, mức khen tương xứng, tạo động lực thúc đẩy phong trào; làm cho danh hiệu điển hình dân vận khéo thật sự được trân trọng, có như vây mới phát huy hiệu quả từ mô hình dân vận khéo./.