Mỗi khi tháng 7 về cả nước lại bồi hồi cảm xúc khi nghĩ về ngày kỉ niệm Thương binh liệt sĩ 27/7. Chiến tranh dù đã đi qua rất lâu nhưng những vết thương nó để lại vẫn khiến mỗi chúng ta không khỏi xót xa khi nghĩ về những người chiến sĩ đã hy sinh tuổi xuân để bảo vệ tổ quốc. Những người con anh dũng của đất nước, có người còn sống nhưng cũng có người đã nằm lại với đất mẹ thân yêu. Nhưng những chiến công và tên tuổi của các anh đã trở thành bất tử, khắc ghi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi được thế hệ những người Việt Nam tưởng nhớ.
Trong suốt chiều dài lịch sử “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, trải qua hàng nghìn năm văn hiến, dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn, đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do, và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong các cuộc đấu tranh đó, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Máu đào và sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thương binh, liệt sĩ để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.
Trước những mất mát, hi sinh của các thương binh, liệt sỹ cho dân tộc Việt Nam, trong suốt thời gian dài từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà còn cho muôn đời con, cháu mai sau.
Bởi vậy, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn ”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ, chúng ta những người dân Việt Nam một lần nữa xin được kính cẩn nghiêng mình dâng lên các Anh hùng liệt sỹ ngọn nến tri ân, những vòng hoa tươi thắm, thắp nén tâm nhang xin bày tỏ lòng thành kính, thể hiện lòng biết ơn vô hạn đến các anh – những người con bất tử, đã hi sinh cho Tổ quốc. Vinh quang của dân tộc Việt Nam ngày hôm nay không ai khác chính các anh, các chị là những người đã tạo nên. Tổ quốc, nhân dân Việt Nam tự hào về các anh – những người anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Sức mạnh đoàn kết của Dân tộc trong bối cảnh vô vàn thách thức ấy còn được thể hiện qua ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân Liệt sĩ và gia đình người có công. Đó là những tấm gương vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập..., góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.Chúng ta chứng kiến thời gian qua xuất hiện nhiều tấm gương trong gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình chính sách đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, sản xuất, kinh doanh giỏi, phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi dạy con, cháu trưởng thành, đồng thời tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, lan tỏa tình yêu thương, nhân ái trong xã hội. Vô vàn câu chuyện xúc động của gia đình thương binh, liệt sỹ với những tấm gương bình dị mà cao cả, tỏa sáng, nhất là trong những lúc thiên tai, dịch bệnh, góp phần làm rạng rỡ, vinh danh hai tiếng Việt Nam, được bạn bè quốc tế trân trọng ghi nhận và khâm phục đất nước Việt Nam, con người Việt Nam.
Đạo lý truyền thống tốt đẹp nghìn đời của Dân tộc Việt Nam luôn chú trọng “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, 76 năm qua, rất nhiều phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Chúng ta đã huy động được nguồn lực to lớn của nhà nước và cộng đồng nhằm thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa như: Nhà tình nghĩa; Quỹ “đền ơn đáp nghĩa”; Sổ tiết kiệm tình nghĩa; Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng…
Những hoạt động này thể hiện tình cảm, trách nhiệm, mang lại hiệu quả to lớn về chính trị- xã hội. Công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc, nâng cao đời sống các hộ gia đình người có công với nước đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân, như lẽ tự nhiên nhất, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn xã hội. Qua đó đã khơi dậy lòng yêu nước, củng cố nền tảng đại đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống đạo lý của đất nước.
Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú ý căn dặn trong bản Di chúc: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình. Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
Thực hiện Di chúc của Người, thời gian qua, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành, thực hiện đồng bộ, toàn diện và đa dạng, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, từng bước nâng cao mức sống của người có công, thân nhân của người có công với cách mạng. Cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng các tổ chức, cá nhân, cộng đồng huy động từ rất nhiều nguồn lực khác nhau, chung sức đồng lòng xây dựng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ; bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Việc bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh liệt sĩ, bảo đảm bền vững, trang trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về việc tôn vinh và tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ; đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, nhất là thế hệ trẻ sẽ mãi ghi nhớ, sẽ mãi tự hào về ý chí quật cường của các thế hệ cha ông đã viết nên những bản hùng ca “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, mang lại độc lập, hoà bình hôm nay.
Kỷ niệm 76 năm ngày TBLS năm nay địa phương đã vận động kêu gọi các tổ chức, cá nhân được 21 sổ tiết kiệm mỗi sổ trị giá 500.000đ; 25 xuất quà mỗi xuật trị giá 300.000đ để trao cho các gia đình chính sách gặp khó khăn; bên cạnh đó quà của Trung ương, của Tỉnh, của huyện được chuyển đến các gia đình chính sách với nghĩa cử và tình cảm trân trọng nhất. Lễ thắp nến tri ân và viếng hương được tổ chức long trọng vào tối ngày 26/7 tại Nghĩa trang Liệt Sĩ xã, công tác vệ sinh nghĩa trang Liệt Sĩ và các bia tưởng niệm được Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ thực hiện chu đáo thể hiện lòng tri ân đối với các Liệt Sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ Quốc.
Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng những bù đắp của chúng ta cho các thương binh, liệt sĩ và những người có công với cách mạng không sao bằng được những gì mà họ đã cống hiến cho nhân dân và cho đất nước. Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục cố gắng làm nhiều việc đền ơn đáp nghĩa thiết thực và có ý nghĩa hơn nữa để tri ân những người có công với Tổ quốc.
Các phong trào “đền ơn đáp nghĩa” đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của mỗi người Việt Nam.
Để công tác đền ơn đáp nghĩa thật sự là việc làm thường xuyên vfa là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của những người hôm nay và mai sau, chúng ta cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể xã hội và mỗi người dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tích cực, thường xuyên, liên tục với phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, chung tay thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, coi đó là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự và mệnh lệnh từ trái tim.
Thứ hai, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đồng thời, chúng ta cần nỗ lực dành sự chú tâm cao hơn chăm lo các gia đình người có công cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn, không nơi nương tựa, người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.
Thứ ba, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, bảo đảm quyền lợi của người có công. Trong đó, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng; ngành LĐTBXH cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm và năng lực quản lý nhà nước, quan tâm giải quyết hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng chính xác, kịp thời để những người có công và gia đình họ được hưởng đầy đủ các chính sách đền ơn, đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta sẽ đời đời nhớ ơn các anh hùng, Liệt sĩ, thương binh, người có công với nước đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho độc lập, tự do, hoà bình hôm nay./.