Trong đời sống tinh thần của cư dân làng xã, các sinh hoạt văn hóa- lễ hội luôn gắn liền với tín ngưỡng dân gian. Đó là thờ cúng người có công khai mở đất đai, quy dân lập ấp như Tiền hiền; Thành hoàng; thờ các vị nhiên thần …. Và một hình thái thờ cúng có tính phổ biến là thờ Âm linh- cô hồn. Ở vùng xứ Quảng, hình thái thờ cúng này khá đặc trưng gọi là sở Nghĩa Trủng Tự hay đàn Âm hồn. Sở Nghĩa Trủng tự còn có tên là miếu thờ âm linh, gắn liền với Nghĩa Trủng tự có 1 khu nghĩa địa chung chôn mộ vô danh gọi là Nghĩa trủng.
Sự ra đời Nghĩa Trủng - Nghĩa trủng tự, trước hết xuất phát từ sự ứng xử có đạo nghĩa của người dân. Vì chiến tranh, vì thiên tai, dịch bệnh, vì nạn đói kém và nhiều lý do khác nữa, tại mỗi làng có nhiều mồ mã vô chủ, để phụng thờ họ, nhân dân đã lập nên Nghĩa Trủng Tự, cầu mong cho những linh hồn ấy có nơi nương tựa ổn định và cũng là sự yên ổn trong cuộc sống của chính người dân. Đó chính là lối sống giàu tính nhân văn của dân tộc ta, qua đó cũng nói lên được cái nghĩa cái tình, sự cảm thông và bổn phận của người sống đối với người chết vô gia cư.
Trong quá trình khai thác, tạo dựng nên làng xã, qua các cuộc chiến tranh hồi nửa cuối thế kỷ XVIII, trên mảnh đất làng Tiên Châu ( Xã Bình Sa) có nhiều nghĩa sĩ, nghĩa dân bỏ mình vì nước, rồi cũng vì nhiều lý do khác mà có những người hoặc chết vô gia cư; hoặc hành nhân, thương lữ, những người vì đói khát- dịch bệnh mà chết; hoặc những gia đình- tộc họ tuyệt tự;…..không còn người hương hỏa, mồ mã không ai chăm sóc, không người tu tảo mộ phần. Xuất phát từ tình tương thân, nghĩa đồng bào, dân làng luôn trân trọng tình nghĩa nên những linh hồn ấy đã được dân làng thờ cúng.
Theo lời kể của các bậc cao niên tại làng Tiên Châu, việc thờ cúng âm linh là việc có từ lâu đời, nó đồng hành cùng quá trình hình thành, xây dựng làng xóm, song buổi đầu chỉ là lễ cúng tế hàng năm được tổ chức tại sân đình làng, chứ chưa có nơi thờ cố định. Mãi đến năm 1923 (tức năm Quý Hợi) khi điều kiện cho phép dân làng mới xây dựng nơi thờ- cúng cố định. Theo đó, các bậc hương chức, trưởng lão trong làng đã chọn địa danh động Cây Mâm ( thuộc làng Tiên Châu, thôn Châu Khê, xã Bình Sa ngày nay) có thế đất nằm trên lưng con bọ ngựa, theo quan niệm phong thủy đó là nơi tích chứa âm phúc cho làng để dựng nên Sở Nghĩa Trủng tự có quy mô lớn và tồn tại đến ngày nay. Cùng với xây dựng nơi thờ cúng, một số mồ mã được quy tập lại thành Nghĩa trủng bên cạnh sở Nghĩa trủng tự, còn lại số lớn mồ mã nằm ở khắp cả 4 xóm, hiện tại làng thống kê được là 621 vị.
Nằm về phía Tây của làng Tiên Châu, trên vùng tiếp giáp giữa xóm dân cư với động cát, Sở Nghĩa Trủng tự có diện tích xây dựng khoảng 50 m2, gồm nhiều tẩm thờ, án thờ tổng cộng 15 bát hương.
Nghĩa Trủng tự Tiên Châu có mô thức xây dựng và phối thờ như sau:
Phía trong cùng là tẩm thờ nhiên thần, xây cao nhất gồm 2 tầng:
Tầng trên, phía trước mặt đề 3 chữ “Tạo Phúc Lâu”; trong lòng khám thờ đề 2 chữ “Tiêu Diện”, là nơi đặt bát hương thờ ngài Tiêu Diện đại sĩ.
Tầng dưới là án thờ vị thần quan trọng nhất tại Sở có đề 2 chữ “Hòa Ôn”. Đó là nơi đặt 3 bát hương thờ ngài chủ tể cai quản âm linh cùng 2 ban tả- hữu của ngài. Trong tín ngưỡng dân gian, thần “Hòa Ôn” có tên gọi đầy đủ là “Hòa Ôn chúa tướng Khương phụ tiên tiên sinh”, theo sự phân phong- là vị chủ tể trấn giữ, cai quản các vị thần và âm linh.
Phía trước tẩm chính có đôi câu đối, nó cũng phản ảnh rõ vai trò, chức năng của vị thần Hòa Ôn đang thờ trong tẩm, dịch nghĩa đối là:
Dẫn dắt chẩn đàn ngời pháp lệnh.
Trấn yên cõi tịnh tỏ nhiệm màu.
Chính trung tâm của sở tự là án “Hội đồng” có mái che, nơi đặt chung 1 bát hương lớn. Hai bên án này và lùi vào phía trong là 2 án thờ: phía bên tay trái là án thờ Nam cô hồn; phía bên tay phải là án Nữ cô hồn- tức là phân ra thờ nam- nữ cô hồn riêng từng án, theo quy thức Nam tả- Nữ hữu. Ở 2 án thờ này, mỗi án có đặt 1 bát hương.
Phía trước án Hội đồng có khoảng sân rộng (còn gọi là nguyệt trì), đủ để cho các vị trong ban tế tự hành lễ khi làm lễ tế tại sở.
Hai bên sân và xoay ngang mặt vào sân có 2 dãy án thờ được đặt thấp dưới đất gọi là 2 án “Ban trại lính”, mỗi ban có đặt 3 bát hương ngang hàng. Đó là nơi thờ những nghĩa sĩ- những người lính chết trong chiến tranh.
Phía trước Sở, cũng chính là phía ngoài cùng, không đặt bình phong như thường thấy mà ở giữa xây thành tẩm cao gồm 2 tầng. Tầng trên để thông 2 mặt trước- sau. Đó là bàn thờ “Thiên” (tức thờ trời) và đặt 1 bát hương thờ trời. Tầng dưới xây thành tẩm thờ có đề 4 chữ “Bổn xứ chi thần” là nơi đặt bát hương thờ vị thần thổ địa coi giữ đất đai xứ sở. Trên trán của tẩm thờ này, mặt trước đề 3 chữ lớn là “Nghĩa Trủng tự”, được cẩn bằng mảnh chén cổ. Hai bên tẩm này trổ 2 cổng vòm để ra vào sở tự, cổng rất thấp nên muốn ra vào người đi phải cúi thân.
Như vậy, trong Nghĩa Trủng tự có cả thảy 15 bát hương ở 9 án thờ; trong đó có 6/15 bát hương thuộc 4 án thờ là nơi thờ các vị nhiên thần; còn 8/15 bát hương thuộc 4 án thờ là nơi thờ âm linh- cô bác. Riêng bát hương án thờ hội đồng là nơi phối thỉnh cả nhiên thần lẫn nhân thần trong tế lễ.
Nghĩa Trủng tự Làng Tiên Châu được trùng tu, tôn tạo vào năm 1973 trên cơ sở nguyên mẫu yếu tố gốc cho đến ngày hôm nay. Vừa qua trong dịp hè 2021, bằng kinh phí vận động từ nhiều nguồn khác nhau, làng Tiên Châu đã tiến hành tôn tạo thêm cảnh quan, đây được xem như lần trùng tu thứ 2 cho sở Nghĩa Trủng tự. Sau khi chỉnh trang, toàn bộ diện tích xây dựng của sở Nghĩa Trủng tự lên đến 160 m2.
Nghĩa trủng tự làng Tiên Châu là công trình thể hiện đời sống tâm linh, tư tưởng vì đạo nghĩa của dân làng được xây dựng và lưu giữ hơn 100 năm qua cùng với nhà thờ Tiền hiền, mộ ngài Tiền hiền. Trong nội tại của công trình kiến trúc Sở Nghĩa Trủng tự, thể hiện thiết chế của làng xã ngày trước, nhưng không phải làng nào cũng xây được Sở Nghĩa Trủng tự có quy mô bề thế như làng Tiên Châu và càng đặc biệt hơn, bởi nó lưu giữ được cơ bản nguyên mẫu kiến trúc ban đầu, các yếu tố trùng tu- tôn tạo vào năm 1973; năm 2021 không làm thay đổi mà góp phần tôn thêm giá trị kiến trúc cũng như tư tưởng thẩm mỹ cho sở tự. Sở Nghĩa Trủng tự nằm phía Bắc cách mộ ngài Tiền hiền hơn 500m, nằm ở phía Tây cách nhà thờ Tiền hiền khoảng 1.000m; ba thiết chế thờ tự linh thiêng này tạo thành hình tam giác mà dân làng gọi là thế chân kiềng, bao bọc, che chở vững chãi cho làng Tiên Châu.
Thiết chế thờ cúng Nghĩa Trủng tự gắn liền với tinh thần vì đạo nghĩa của con người, đồng thời là khát vọng về cuộc sống bình yên, no ấm, hạnh phúc, nó làm tăng thêm niềm tin, ổn định tâm lý của người dân trước sự đối mặt với những khó khăn, thách thức gặp phải trong cuộc sống. Lễ tế tại Nghĩa Trủng tự là một hình thức sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng, là nơi hội tụ tâm tư, tình cảm và những ước vọng riêng có của nhân dân trong làng.
Thiết chế thờ cúng Nghĩa Trủng tự là cơ sở bảo lưu một số tập tục tốt đẹp- tinh thần vì đạo nghĩa; một số hình thức sinh hoạt văn hóa- tín ngưỡng dân gian truyền thống. Đồng thời nó cũng góp phần phản ảnh nhận thức trong lối sống, lối ứng xử nhân văn giữa con người với con người; giữa con người với thiên nhiên và môi trường sống. Do đó giữ gìn và phát huy thiết chế văn hóa thờ cúng Nghĩa Trủng tự cũng chính là bảo lưu bản sắc văn hóa tốt đẹp của làng xã nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung./.