Tại Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, với tiến bộ khoa học – công nghệ, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động”. Đây là quan điểm định hướng cho phát triển giáo dục và đào tạo ở nước ta trong những năm tới. Quan điểm chỉ đạo này là kết quả của thành tựu nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới lĩnh vực giáo dục vào đào tạo trong công cuộc đổi mới đất nước. Nội dung quan điểm thể hiện sự nhận thức đúng đắn và nhất quán của Đảng ta trong quá trình đổi mới về vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục và đào tạo. Điểm mới trong nội dung quan điểm có ý nghĩa chỉ đạo, định hướng cho phát triển giáo dục và đào tạo là lấy phát triển, hoàn thiện con người làm mục tiêu, động lực; xây dựng một nền giáo dục hiện đại, thực học, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước.
Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ xã Bình Sa lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển và xây dựng quê hương”
Xác định rõ tầm quan trọng đó nên trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền xã Bình Sa và nhân dân xã Bình Sa đã tập trung cao chú trọng đầu tư đến công tác giáo dục một cách toàn diện đó là: Tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học; đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, xây dựng đội ngũ nhà giáo có năng lực, trình độ, tâm huyết để thúc đẩy ngành giáo dục của xã nhà.
Mục tiêu nhiệm vụ đặc ra đã rõ, cả hệ thống chính trị vào cuộc, ngành giáo dục làm tốt công tác tham mưu, nên từ sau Đại hội Đảng bộ đến nay ngành giáo dục dục xã nhà đã có những bước cải thiện rõ rệt và nâng lên. Mạng lưới trường lớp được quy hoạch, sắp xếp thuận tiện cho việc dạy và học; cơ sở vật chất xây dựng khang trang đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây mới và sửa chữa trên 20 phòng học ở các cấp học . Bên cạnh đó địa phương còn kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ hàng trăm triệu đồng để mua sắm trang thiết bị nhằm đảm bảo cho nhu cầu dạy và học của nhà trường. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm, đến nay 3/3 trường đạt chuẩn mức độ 1, riêng trường Mẫu Giáo đang đề nghị tỉnh công nhận đạt chuẩn lần 2 sau 5 năm, hoàn thành công tác xóa mù chữ; tỷ lệ trẻ em ra lớp; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; học sinh tốt nghiệp THCS hằng năm đạt 95% trở lên; không có trẻ em bỏ học giữa chừng; tỷ lệ học sinh đạt giải cấp tỉnh, cấp huyện qua các kỳ thi năm sau cao hơn năm trước; công tác khuyến học, khuyến tài được chú trọng hằng năm Hội khuyến học xã đã kêu gọi các nhà hảo tâm tặng hằng trăm xuất quà cho học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, đã kịp thời động viên các em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; chương trình hỗ trợ của tổ chức Sellpel (Đông Tây hội ngộ) cho học sinh con nhà nghèo học khá trở lên hàng tỷ đồng, kịp thời động viên giúp đỡ để các em có điều kiện đến trường. Từ những thành tích đã đạt được 3 trường trên địa bàn xã hằng năm đạt danh hiệu tiên tiến, xuất xắc; nhiều thầy cô giáo đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và đã nhận nhiều giấy khen của UBND tỉnh, huyện và của ngành giáo dục.
Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức là một quá trình tất yếu, khách quan đối với nước ta nói chung và địa phương nói riêng, trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Quá trình đó đòi hỏi giáo dục không chỉ cung cấp đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu nguồn nhân lực, mà quan trọng hơn là chất lượng nguồn nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố đóng vai trò quyết định thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Chỉ có sự phát triển của nguồn nhân lực có chất lượng cao thì mới nâng cao được năng lực cạnh tranh, nâng cao được chất lượng hiệu quả của sản xuất, kinh doanh và đổi mới công nghệ… Từ đó, mới có thể rút ngắn được quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Trong những năm qua, giáo dục của địa phương đã có những chuyển biến tích cực và góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời hoàn thành tiêu chí số 14 và số 5 của 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, bất cập. Đó là: chất lượng giáo dục còn thấp; nhiều vấn đề hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục; tính độc lập, sáng tạo trong tư duy và kỹ năng thực hành của học sinh còn yếu. Xuất phát từ thực trạng này, để đảm bảo xây dựng ngành giáo dục của địa phương ngày một lớn mạnh Nghị quyết năm 2018 của Đảng bộ xã Bình Sa xác định: “Đẩy mạnh toàn diện công tác giáo dục, cả hệ thống chính trị vào cuộc, kêu gọi toàn xã hội quan tâm đến giáo dục, làm tốt công tác phối hợp đồng bộ giữa gia đình-nhà trường và xã hội”. Có như vậy thì ngành giáo dục của xã nhà mới ngan tầm với các địa phương trong huyện./.
Quang cảnh buổi kiểm tra trường THCS Chu Văn An đạt chuẩn