Mặt dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả để lại vẫn còn nhức nhối không gì bù đắp được.
Với một xã còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, Đảng bộ và Chính quyền và nhân dân xã Bình Sa hết sức coi trọng việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và gia đình người có công với nước. Đã huy động mọi nguồn lực của xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần nhằm tạo điều kiện về việc làm, thu nhập để các đối tượng có đời sống ổn định, nhằm bù đắp một phần mất mát to lớn mà các gia đình đã cống hiến và hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước.
Tính đến nay, toàn xã có 116 mẹ được phong tặng và truy tặng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện 9 Mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời; có 679 Liệt Sĩ; 39 thương binh; 11 bệnh binh.
Công tác xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền đài liệt sỹ cũng được Nhà nước và toàn xã hội chăm lo. Nghĩa trang Liệt Sĩ của xã được đầu tư xây dựng khang trang, hằng năm chương trình “Thắp nến tri ân” được tổ chức thường xuyên trong dịp 27/7 với sự tham gia của các ngành, đoàn thể và nhân dân, đặc biệt là các em học sinh. Đây là dịp để giáo dục thế hệ trẻ biết kính trọng sự hy sinh của các bậc cha anh đi trước vì sự nghệp giải phóng dân tộc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Một số các anh chị là người con Bình Sa đang làm ăn, sinh sống ở trong nước và nước ngoài đã đóng góp hơn 350 triệu đồng để xây dựng 3 bia tưởng niệm: Cồn Soi (Tiên Đỏa), An Tráng (Bình Trúc), Châu Khê nơi diễn ra sự kiện có số cán bộ, du kích và nhân dân bị địch sát hại nhiều nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại Bình Sa.
Bia tưởng niệm thôn Cồn Soi - Tiên Đỏa, 1 trong 3 bia được đầu tư xây dựng trên 350 triệu đồng
Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt, xác định danh tính liệt sỹ, quản lý dữ liệu hồ sơ liệt sỹ, hỗ trợ nhà ở cho người có công trở thành những vấn đề quan trọng có tính cấp thiết và đã được sự đồng tình và ủng hộ của toàn xã hội.
Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể của xã, đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: xây dựng nhà tình nghĩa; vận động quỹ Đền ơn đáp nghĩa; tu bổ nghĩa trang; thăm và tặng quà các gia đình chính sách; khám chữa bệnh, cấp thuốc và nhiều phong trào thiết thực khác đã mang lại hiệu quả giáo dục to lớn.
Trong 5 năm qua, xã đã vận động quỹ Đền ơn đáp nghĩa gần 70 triệu đồng; từ nguồn kinh phí vận động xã hội hóa xây mới trên 40 ngôi nhà tình nghĩa, sữa chữa 18 ngôi nhà với kinh phí 2 tỷ đồng; hỗ trợ làm nhà theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính Phủ 167 nhà, trong đó làm mới 63 nhà với kinh phí 2.520.000.000đ, sửa chữa 104 nhà với kinh phí 2.080.000.00đ.
Bên cạnh sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội, sự nỗ lực vươn lên của bản thân, “thương binh tàn nhưng khôn phế” nhiều thương binh, bệnh binh, người có công đã phát huy truyền thống tốt đẹp, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu về ý chí, tinh thần vượt khó, giúp nhau cùng phát triển nhằm nâng cao đời sồng vật chất, vươn lên làm giàu chính đáng.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, cùng với sự phát triển của xã nhà, đời sống vật chất, tinh thần của thân nhân liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã và đang được nâng lên rõ rệt. Đến nay toàn xã có 80 hộ nghèo chiếm 4,31%; 57 hộ cận nghèo chiếm 3,07%, nhưng trong đó không có gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Hơn bốn mươi năm qua là khoản thời gian không dài nhưng với sự nổ lực rất lớn của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Bình Sa công tác chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách đã trở thành nhiệm vụ vừa cấp bách vừa đặc biệt quan trọng. Trong thời gian đến ngoài việc chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công,... xã sẽ tập trung khảo sát các sự kiện lịch sử nổi bật, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận di tích lịch sử cách mạng và phân cấp quản lý để sớm xây dựng các công trình nhằm ghi dấu ấn về sự cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh qua 2 cuộc kháng chiến nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.