Tháng 6 -1925, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập “Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên”. Trong lúc này, trên phạm vi cả nước, nhờ những hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên nên các tổ chức cộng sản như: “Đông Dương Cộng sản Đảng”, “An Nam Cộng sản Đảng”, “Đông Dương Cộng sản Liên đoàn” như vậy trong vòng 4 tháng Việt Nam có ba tổ chức Cộng sản ra đời và có vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tuy vậy điều này không phù hợp với lợi ích của cách mạng và nguyên tắc tổ chức của Đảng Cộng sản. Vì vậy, để thống nhất quyền lãnh đạo cách mạng, từ ngày 06/1/1930, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị các tổ chức cộng sản nêu trên và đến ngày 03/2/1930, các tổ chức Cộng sản được hợp nhất thành một đảng duy nhất và mang tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại Quảng Nam, sau khi nghe phái viên của Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo hợp nhất ba tổ chức Đảng, Ban chấp hành lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam ra thông báo chính thức thành lập Đảng bộ vào ngày 28/3/1930. Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam ra đời, phong trào cách mạng ở Quảng Nam đã phát triển lên một bước mới, và vào thời gian này do được Tỉnh ủy phân công, đồng chí Phạm Thâm, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp phụ trách huyện Thăng Bình nên tại xã Bình Sa, một số thân hào nhân sỹ trong đó có Lê Tấn Kinh và một số người khác là những người yêu nước của các cuộc vận động trước được ông Phạm Thâm gặp gỡ, tuyên truyền, đồng thời thông qua sách báo tiến bộ đã ý thức hơn về vấn đề tư sản, quân chủ lập hiến.
Cuối năm 1936, hội nghị thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm: Nguyễn Trác, Trần Ngọc Giới, Nguyễn Thúy, Nguyễn Thành Hãn, Nguyễn Đức Thiệu, Nguyễn Ngọc Kinh, Phan Xuân Hoàng, do đồng chí Nguyễn Trác làm Bí thư, phân công ủy viên phủ trách các phủ huyện, phát triển cơ sở đảng, nhanh chóng mở rộng các hoạt động biến tướng để thúc đẩy phong trào. Hiệu sách Việt Quảng được thành lập ở Đà Nẵng, trung tâm lưu hành sách báo tiến bộ để các huyện mua về thành lập các tủ sách, cổ động phong trào đọc sách, báo tiến bộ ở địa phương mình.
Ở Thăng Bình, tại xã Bình Sa trong thời gian trước đó do quen biết việc làm ăn với đồng chí Trần Học Giới (quê ở Bến Ván, Tam Kỳ, ông là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Nam trong những năm 1933 đến 1937), nên đồng chí Hoàng Tánh đã nhiều lần vào Bến Ván, Tam Kỳ gặp gỡ trao đổi chuyện làm ăn dần dần đồng chí Hoàng Tánh được giác ngộ cách mạng. Từ nguyên nhân trên mà năm 1936 sau khi ra tù, đồng chí Trần Học Giới bắt đầu liên lạc với đồng chí Hoàng Tánh và qua đó, đồng chí Hoàng Tánh đã tuyên truyền, vận động tập hợp rộng rãi các thanh niên tham gia hoạt động. Trong thời gian đầu vận động đồng chí Hoàng Tánh đã vận động được 3 đồng chí; Nguyễn Niệm (quê Hưng Mỹ, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình), Nguyễn Giai (Giáo Ngẫu người Hòa Tây, Tam Kỳ) và đồng chí Trương Thành Đồng (Thôn Tiên Đỏa, Bình Đào, Thăng Bình) là những người có chuyên môn về khám, chữa bệnh cùng chung vốn mở tiệm bán thuốc Đông y và tổ chức Hội đọc sách , lấy tên gọi là “Nghĩa Hòa Đường” và địa điểm đặt tại nhà ông Trịnh Phương, tại chợ Tây Giang, xã Bình Sa.
Cây sợp nơi hoạt động của người người yêu nước
Khi hiệu thuốc Đông y “Nghĩa Hòa Đường” ra đời với hoạt động công khai là khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc cho nhân dân, uy tín của “Nghĩa Hòa Đường” ngày một lang rộng, nhân dân khắp nơi khắp nơi đến để khám, chữa bệnh, đây là nơi cho nhiều người lui đến, trong đó có không ít là sĩ phu yêu nước. Thực chất bên ngoài hiệu thuốc Đông y “Nghĩa Hòa Đường” là khám, chữa bệnh cho nhân dân nhưng bên trong là cơ sở hoạt động cách mạng, là nơi đánh lạc hướng bọn địch để gặp gỡ, nắm thông tin thông qua việc trực tiếp đi khám và chữa bệnh cho bệnh nhân ở một số nơi trong và ngoài xã. Đây là điểm hẹn gặp gỡ với nhiều người có tư tưởng tiến bộ ở trong xã và một số các xã khác như Bình Hải, Bình Nam, Bình Triều... , đồng thời cũng tại nơi đây lúc bấy giờ giao thông đi lại ngoài đường bộ thì còn có đường thủy, mà chợ Tây Giang nằm ngày trên bờ của con sông Trường Giang, bên kia bờ là xã Bình Hải, chợ Tây Giang được hình thành từ rất sớm, nơi đây lúc bấy giờ sầm uất người buôn bán, chợ lúc nào cũng đông người mà nhà ông Trịnh Phương nằm ngày tại chợ và đây chính là địa điểm thuận lợi để che mắt bọn địch để “ Nghĩa Hòa Đường” hoạt động và dễ dàng tập hợp đảng viên và sách báo của hiệu sách Việt Quảng một phần được lưu hành thông qua “Nghĩa Hòa Đường”.
Như vậy, “Nghĩa Hòa Đường” là tổ chức biến tướng đầu tiên của Bình Sa tổ chức để che mắt bọn địch tiện bề hoạt động và thu hút, giác ngộ được nhiều thành niên tiến bộ hướng đến cách mạng, đặc biệt các đồng chí Nguyễn Thế Tạo, Nguyễn Hữu Chỉnh sau khi tham gia đã có nhiều hoạt động tích cực tuyên truyền bên ngoài tạo ấn tượng tốt đẹp, giác ngộ tinh thần, lôi cuốn hơn nữa các thành phần tiến bộ trong xã đến với cách mạng như các đồng chí: Nguyễn Tân (Hương Sang), Nguyễn Quang Châu, Phạm Hưng, Huỳnh Tuấn, Hồ Công Cẩn, Nguyễn Huệ, Vũ Khắc Hoan, Hồ Đắc Bích, Nguyễn Cầu....
Xét thấy “Nghĩa Hòa Đường” ra đời và hoạt động mạnh mẽ, đảm bảo đủ điều kiện để thành lập tổ chức Đảng nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng lúc bấy giờ, đồng chí Trần Học Giới (là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Nam trong những năm 1933 đến 1937) quyết định thành lập chi bộ Đảng Tây Giang vào ngày 19/6/1936 là chi bộ đảng đầu tiên huyện Thăng Bình tại nhà ông Trịnh Phương, đầu tiên gồm các đồng chí: Nguyễn Niệm, Nguyễn Ngẫu và Hoàng Tánh, đồng chí Nguyễn Niệm được cử làm Bí thư chi bộ, chi bộ Tây Giang là chi bộ ra đời đầu tiên tại huyện Thăng Bình, đây là sự kiện quan trọng, đánh giá bước chuyển biến căn bản về phong trào đấu tranh của nhân dân xã Bình Sa nói riêng và nhân dân huyện Thăng Bình nói chung có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản, và từ đây, hoạt động của chi bộ Tây Giang đã có ảnh hưởng đến các vùng Đông Nam huyện Thăng Bình và một số địa phương giáp Tam Kỳ, đóng góp tích cực vào phong trào của huyện trong những năm 1936-1939.
Nhà ông Trịnh Phương, hiệu thuốc “Nghĩa Hòa Đường” là nơi ghi dấu sự ra đời của chi bộ Tây Giang vào ngày 19/6/1936. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thăng Bình, là cơ sở hoạt động mật, là nơi gặp gỡ trao đổi của các đồng chí lãnh đạo Đảng và những người có tư tưởng lớn. Đây cũng là cơ sở tuyên truyền sách báo tiến bộ giác ngộ cách mạng của thanh niên. Việc “Nghĩa Hòa Đường” ra đời đã có những đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng trong những năm 1936 – 1939 và những năm sau này.
Ngôi nhà ông Trịnh Phương trước đây là hiệu thuốc “Nghĩa hoà đường”
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Bình Sa đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.
Ngày 18/5/2015 UBND xã Bình Sa đã có Tờ trình số 34/TTr-UBND về việc đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cách mạng Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thăng Bình, nhưng đến nay vẫn chưa được xếp hạng công nhận. Việc công nhận di tích chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thăng Bình là một di tích có giá trị quan trọng không chỉ đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Sa mà còn là di tích quan trọng của huyện Thăng Bình nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung, góp phần giáo dục ý thức của các thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng của cha ông ta đi trước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước./.