Xã Bình Sa hiện có 3 trường với 924 học sinh từ bậc mầm non đến trung học cơ sở (Trong đó: THCS 304 em; TH 370 em; MN 250 em). Những năm trước đây, cơ sở vật chất của các điểm trường xuống cấp, do kinh phí còn hạn chế để xây dựng và sửa chữa nên ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của địa phương. Để tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học, thời gian qua, địa phương đã làm tốt công tác huy động nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục.
Chỉ tính riêng năm 2017 để đảm bảo cho xã về đích Nông thôn mới từ nguồn kính của cấp trên đã đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho 3 cấp học với tổng kinh phí 3.800.00.000 đồng. Riêng năm 2019 từ sự kêu gọi, cá nhân anh Nguyễn Hoài Nam người con của quê hương đã hổ trợ 2,5 tỷ đồng để xây mới trường Mẫu Giáo tại phân hiệu chính, nhằm đảm bảo công tác dạy và học của nhà trường.
Công trình mà anh Nguyễn Hoài Nam đầu tư 2,5 tỷ đồng để xây dựng
Các công trình được xây dựng kiên cố, phòng học thoáng mát, có đủ các công trình phụ, trồng cây xanh, cây kiểng tạo bóng mát, mỹ quan; môi trường xung quanh khu vực sạch, đẹp, an toàn, đảm bảo cho các hoạt động giáo dục. Nhà trường lên kế hoạch trình cấp trên để hàng năm được xây dựng, tu sửa cho đủ các phòng học, phòng chức năng, mua sắm thêm trang thiết bị dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của trường đạt chuẩn quốc gia. Từ cách làm đó đến nay 3 trường đều đạt chuẩn Quốc gia mức 1, riêng trường Mẫu Giáo đã được công nhận đạt mức độ 1 sau 5 năm.
Với trường THCS, thầy Lê Vũ Anh Tuấn (Phó hiệu trưởng của trường) cho biết: “Khi nguồn kinh phí địa phương còn hạn hẹp, vấn đề xã hội hóa giáo dục là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được nhà trường quan tâm. Cùng với việc thường xuyên kết nối với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cựu học sinh thành đạt để tranh thủ nguồn lực hỗ trợ cho nhà trường”. Sự minh bạch thu, chi các nguồn kinh phí đã góp phần củng cố sự đoàn kết trong nhà trường, làm cho mọi người tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động nguồn lực.
Bên cạnh đó, Hội Khuyến học của xã tổ chức nhiều hoạt động xã hội hóa có hiệu quả Hội Khuyến học duy trì tốt công tác khen thưởng học sinh giỏi, vận động nhiều nguồn lực giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Hội duy trì việc tặng quà cho học sinh trên địa bàn xã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Nguồn kinh phí mà Hội có được để khen thưởng là nhờ sự đóng góp của những cá nhân như Bác Hoàng Minh Thắng; Trung tướng Châu Văn Mẫn; anh Hồ Hữu Hải; hay tổ chức vòng tay Thái Bình… Ngoài ra, các ban ngành, đoàn thể của xã đã đóng góp tích cực về vật chất và tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho Hội hoạt động. Bên cạnh đó, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình học sinh bỏ học, lưu ban, học sinh gặp khó khăn trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ trong việc ngăn chặn học sinh bỏ học, vận động học sinh bỏ học trở lại lớp. Giữa nhà trường và công an địa phương có quy chế phối hợp trong giữ gìn an ninh, trật tự trong và ngoài nhà trường, ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường, ngăn chặn bạo lực học đường. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, các trường trên địa bàn còn phối hợp với UBND xã chú trọng công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia. Nhờ sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa địa phương, nhà trường và phụ huynh chất lượng giáo dục trên địa bàn xã ngày càng nâng cao, cơ sở vật chất cũng được cải thiện đáp ứng nhu cầu dạy và học./.