Quang cảnh buổi tạo đàm
“Nghĩa trủng tự” – hay còn có các tên gọi khác là “Sở Nghĩa”, “ Chùa Nghĩa” là nơi được dân làng lập nên để chôn cất, thờ cúng âm linh, cô hồn, những nghĩa sỹ, nghĩa dân bỏ mình vì dân vì nước, chết vô gia cư, không người thờ tự. Đây là hình thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian đặc trưng của cư dân xứ Quảng, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của làng xã Việt Nam.
Theo một số tài liệu còn lưu giữ tại làng Tiên Châu và lời kể của các vị cao niên tại làng, Nghĩa Trủng tự làng Tiên Châu được nhân dân trong làng xây dựng vào năm Quý Hợi 1923, được trùng tu tôn tạo và năm 1973 trên nguyên mẫu yếu tố gốc và được giữ cho đến ngày nay. Với quy mô khá lớn, trang nghiêm và cổ kính, công trình xây bằng đá ong, gạch vồ được kết dính bằng hợp chất vôi vữa truyền thống, có diện tích xây dựng là 160 m2.
Đây là công trình thể hiện đời sống tâm linh, tư tưởng vì đạo nghĩa của dân làng Tiên Châu được xây dựng và lưu giữ tròn 100 năm qua, cùng với nhà thờ Tiền Hiền và Mộ Tiền Hiền làng đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, tạo nên một quần thể thống nhất ở thế “Chân kiềng”. Trong nội tại của công trình kiến trúc Nghĩa trủng tự thể hiện thiết chế của làng xã ngày trước, nhưng không phải làng nào xây dựng được Sở nghĩa trủng tự như làng Tiên Châu.
Sở nghĩa trủng tự làng Tiên Châu ngoài là nơi thờ cúng âm linh cô hồn, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân làng, còn là địa điểm cảnh giới trong chiến tranh, là cơ sở hoạt động của rất nhiều chiến sỹ cách mạng qua các thời kỳ.
Tại buổi tạo đàm, các bậc cao niên, những người có am hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của làng xã, trong đó có Nghĩa trủng tự làng tiên Châu đã đóng góp nhiều ý kiến, bổ sung nhiều cứ liệu quan trọng và mong muốn các cấp thẩm quyền sớm xem xét, xếp hạng “ Nghĩa trủng tự làng Tiên Châu” là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trên./.