Ở xã ta, sau bốn năm triển khai thực hiện, Chương trình Xây dựng Nông thôn mới đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều mô hình, nhiều cách làm hay, hiệu quả đã được phổ biến, nhân rộng. Chuyển biến tích cực và bước đầu đã có những thành tựu đáng khích lệ, huyện đã phê duyệt quy hoạch chung nông thôn mới.
Đã tổ chức được 210 đợt tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; 127 đợt tuyên truyền họp dân; đài truyền thanh xã mở chuyên mục xây dựng Nông thôn mới hằng tuần, đã phát 288 tin và 144 bài viết về NTM trên đài truyền thanh xã; kết cấu hạ tấng nông thôn được đầu tư xây dựng, đã xây dựng 12,448 km bê tông giao thông; 3 ao thu gom nước nhỉ; đóng 41 cái giếng, vét 61 ao đìa phục vụ cho sản xuất; khởi công xây dựng trạm bơm Tứ Sơn giai đoạn 1 với kinh phí trên 20 tỷ đồng; 100% hộ dân sử dụng điện; 2 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia; cơ sở vật trang thiết phục vụ cho dạy học và khám chữa bệnh cho nhân dân được đầu tư khang trang; hệ thống thông tin truyền thông phục vụ đến người dân; không còn nhà tạm nhà dột nát; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,5%, cận nghèo 4%; số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên; 6 thôn đạt thôn văn hóa cấp huyện 2 năm liền; gia đình đạt gia đình văn hóa trên 80%; tình hình ANCT TTATXH đảm bảo ổn định.
Muốn hoàn thành được mục tiêu đã đề ra và phát huy tốt kết quả xây dựng nông thôn mới, giữ vững các tiêu chí đã đạt; đầu tư cũng cố những tiêu chí còn lại, chúng ta cần tập trung mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức: Hiện nay nhận thức, hiểu về Chương trình xây dựng nông thôn mới của người dân còn nhiều hạn chế. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện tại nhiều người dân không hiểu mục tiêu xây dựng nông thôn mới, họ cho rằng công việc này là của nhà nước; nhà nước có trách nhiệm đầu tư xây dựng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; vì vậy, họ trông chờ sự thay đổi dựa trên sự đầu tư về kinh phí của nhà nước chứ không phải sự thay đổi từ tự thân của chính mình, bằng sự nỗ lực của chính mình. Cho nên, việc làm đầu tiên và đáng quan tâm nhất là cải thiện nếp nghĩ, làm chuyển biến và nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm, nghĩa vụ của họ trong việc xây dựng nông thôn mới. Để làm được điều đó, trước hết phải làm tốt công tác vận động tuyên truyền, biến nó trở thành như một phong trào từ trên xuống dưới. Phải đưa ra khẩu hiệu để thực hiện trên tinh thần “đã làm là được”, “tất cả đều có thể làm được” và “nhất định phải làm”. Để công tác tuyên truyền có hiệu quả thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu. Nhất là trong việc đóng góp tiền, công cũng như hiến đất đai, cây cối xây dựng các công trình phúc lợi. Để giúp người dân hiểu rõ hơn vai trò chủ thể của mình, công tác tuyên truyền chuyển tải mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới là vì người dân, hướng đến người dân, tất cả vì cuộc sống của chính bản thân họ và gia đình họ. Tất cả mọi người dân được hưởng và cả xã hội được hưởng thành quả đó.
Thứ hai, phải phát huy tốt quy chế dân chủ cơ sở “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”: Để huy động được toàn xã hội tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng nông thôn mới thì cần công khai, minh bạch các công việc. Người dân phải được thông tin đầy đủ, đa chiều. Nếu người dân hiểu kỹ được các vấn đề thì sẽ xóa được tư tưởng trông chờ, ỷ lại và vui vẻ đóng góp.
Thứ ba, xây dựng nông thôn mới phải theo chiều sâu, tránh hình thức: Xây dựng nông thôn mới không chỉ là lo xây dựng những con đường, trụ sở mà phải làm những việc nhỏ nhất, cụ thể, thiết thực nhất trong từng gia đình như việc sữa chữa lại ngôi nhà, chuồng trại, dời dọn cổng ngõ, tường rào, cây cối để làm đường giao thông, mương thoát nước, vệ sinh môi trường… theo mô hình nhà vườn mẫu: xanh, sạch, đẹp. Tư vấn cho gia đình trồng cây gì cho năng suất cao, dễ bán, mang lại thu nhập cao… Và nên chọn mô hình mẫu để đầu tư khoa học, công nghệ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Với những kết quả đạt được ngay từ đầu, người nông dân sẽ tin vào sức mình, tin vào Nhà nước và phấn khởi đóng góp công sức, bắt tay xây dựng thôn xóm của mình khang trang, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thứ tư, vận động sự đóng góp của con em về xây dựng quê hương: Một trong những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam là “uống nước nhớ nguồn”, “ly hương không ly tổ”. Lâu nay những người thành đạt xa quê sẵn sàng đóng góp để xây dựng nhà thờ, giúp đỡ dòng họ. Thiết nghĩ với làng, xã, quê hương họ cũng muốn được rạng danh vì vậy chúng ta tạo sự kết nối kêu gọi lòng hảo tâm của con em xa quê, hỗ trợ thêm nguồn kinh phí cho địa phương, đóng góp sức mình vào việc thay đổi bộ mặt của quê hương.
Tóm lại, xây dựng nông thôn mới là một Chương trình quốc gia nhằm xây dựng một đời sống mới cho người dân ở nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, tiến tới đảm bảo công bằng xã hội. Do đó, xây dựng nông thôn mới nhất thiết phải có cái mới, phải có kết quả mới, hiệu quả mới. Đời sống mới của người dân nông thôn được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Trách nhiệm đó không chỉ thuộc về Đảng, nhà nước, các tổ chức đoàn thể mà còn là nghĩa vụ của mọi người dân, mọi tổ chức và cá nhân, trong đó người nông dân phải đóng vai trò là người tiên phong trong xây dựng phong trào./.